CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC – XU HƯỚNG TẤT YẾU THỜI KỶ NGUYÊN SỐ

Giáo dục toàn cầu đang thay đổi chóng mặt bởi sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ cùng các phương pháp học tập mới dựa trên hướng tiếp cận ứng dụng công nghệ cao. Công nghệ thông tin thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp con người tiếp cận thông tin đa chiều, rút ngắn khoảng cách, thu hẹp mọi không gian, tiết kiệm tối ưu về thời gian, từ đó, con người phát triển nhanh hơn về kiến thức, nhận thức và tư duy.

Những đứa trẻ thế hệ Alpha (sinh từ năm 2011 đến 2025) đang được tiếp xúc với công nghệ mới ngay từ khi còn rất bé dẫn đến nhu cầu về ứng dụng công nghệ trong học tập không chỉ dừng lại ở công cụ lưu trữ, giao tiếp thông thường mà trở nên bao trùm, tổng hợp. Ranh giới giữa học tập, giải trí và việc thể hiện lối sống dần bị xóa nhòa.

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03.06.2020 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, Chuyển đổi số trong giáo dục là: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học”.

Như vậy, nếu như trước đây, việc tiếp thu kiến thức được cung cấp từ sách vở và thông qua giáo viên thì hiện nay, học sinh có thể tìm kiếm mọi thông tin chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet. Người thầy chủ yếu là người truyền thụ kiến thức. Điều này đóng một vai trò to lớn trong quá trình đổi mới giáo dục.

Nền giáo dục hoàn toàn biến chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, bằng cách giúp người học có phương pháp tiếp cận và cách tự học, cách giải quyết vấn đề hoàn toàn mới. Việc truyền thụ, cung cấp kiến thức dần dần sẽ do công nghệ thông tin đảm nhận, giải phóng người thầy khỏi sự thiếu hụt thời gian, người thầy có thể tập trung giúp học sinh phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, tổ chức các hoạt động học tập gắn với thực tiễn nhằm phát triển năng lực của người học.

Trong quá trình tương tác với các học liệu qua các giao thức công nghệ, người học để lại những “dấu chân kỹ thuật số” (digital footprint) về năng lực, hành vi và xu hướng học tập của mình. Quá trình phân tích các dấu vết đó giúp cả người học, người dạy hiểu hơn về trải nghiệm học tập của từng cá nhân, từ đó có những điều chỉnh chủ động về hành vi, phương thức và mục tiêu học tập bên cạnh những điều chỉnh do máy tính gợi ý và âm thầm thực hiện.

Với những ưu điểm như vậy, việc chuyển đổi số trong giáo dục là xu thế tất yếu của việc phát triển của ngành giáo dục nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung. AEGlobal cũng vinh dự tự hào là một trong những đơn vị tiên phong, đi đầu trong lĩnh vực cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho người dạy và người học, đặc biệt là trong việc tổ chức dạy học kết hợp (Blended Learning)./

Các Bài viết mới nhất