HỘI NGHỊ SƠ KẾT CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN “TRANG BỊ KỸ NĂNG DẠY HỌC HIỆU QUẢ TRONG KỶ NGUYÊN SỐ” GIAI ĐOẠN 1 VÀ 2 TẠI TỈNH BẮC GIANG

Ngày 22/4/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình tập huấn “Trang bị kỹ năng dạy học hiệu quả trong kỷ nguyên số” giai đoạn 1 và 2 trên địa bàn tỉnh.

Tham dự và chủ trì hội nghị có Ông Bạch Đăng Khoa – Phó GĐ, đại diên Sở GD&ĐT; PGS.TS Chu Cẩm Thơ – đại diện các chuyên gia nghiên cứu và xây dựng chương trình tập huấn; các phòng công tác quản lý chuyên môn của Sở; hơn 2000 giáo viên, cán bộ quản lý chủ chốt, cốt cán của tỉnh Bắc Giang (tham gia trực tiếp và trực tuyến qua gần 90 điểm cầu tại các Phòng Giáo dục, Trường THPT).

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trung tâm

Các cơ sở tham gia trực tuyến

Trong thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 02/2023, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Công ty Cổ phần Giáo dục Toàn Cầu Adaptive Learning đã tổ chức tập huấn cho hơn 2000 nhà giáo, bao gồm: 208 giáo viên, cán bộ quản lý chủ chốt; 1800 giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trong chương trình tập huấn, giáo viên và cán bộ quản lý được tập huấn các nội dung: dạy học phát triển năng lực tự học cho người học; Dạy học phát triển năng lực số của người học; Dạy học trải nghiệm phát triển năng lực cho người học và Dạy học kết hợp (Blended Learning).

Chương trình tập huấn không chỉ nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng cho giáo viên, cán bộ quản lý mà còn hướng dẫn thực hành để giáo viên có thể chuyển hoá vào hoạt động giảng dạy các cấp học, các môn học cụ thể; được đào tạo để có thể đào tạo lại, hỗ trợ đồng nghiệp của mình những kiến thức, kỹ năng đã được tập huấn. Chương trình tập huấn cũng thể hiện tính ưu việt trong phương thức tập huấn thông qua việc tập huấn theo nhóm đối tượng, theo mô hình Blended Learning. Phương thức tập huấn này không chỉ giúp tiết kiệm về mặt thời gian, đơn giản trong khâu tổ chức mà còn cho phép tạo cơ hội giúp học viên học tập chủ động, trao cơ hội thực hành các năng lực số, năng lực tự học và học tập trải nghiệm, giúp mang lại hiệu quả tập huấn thiết thực cho người học đồng thời đáp ứng được chiến lược phát triển nguồn nhân lực giáo dục bền vững của Bắc Giang.

Tính ưu việt của phương thức tập huấn

Kết thúc giai đoạn 1 và 2, kết quả ghi nhận các học viên đã có được nhận thức, thông qua hoạt động thực hành đã chuyển hoá được các kỹ năng vào hoạt động giảng dạy và có các hoạt động chia sẻ với đồng nghiệp tại cơ sở của mình. Chương trình ghi nhận 93 học viên đã trở thành giảng viên của chương trình tập huấn, 858 học viên đã trở thành trợ giảng của chương trình tập huấn. Đây cũng là lực lượng nhân sự sẽ cùng với Sở GD&ĐT Bắc Giang triển khai tập huấn cho 14.000 giáo viên đại trà trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 3 của chương trình.

Trong phiên thảo luận trực tiếp trong Hội nghị, PGS. TS Chu Cẩm Thơ đã động viên, khích lệ các giáo viên, cán bộ chủ chốt, cốt cán trong giai đoạn 1 và 2: “Việc từ được tập huấn để nâng cao nhận thức đến chuyển hoá thành kết quả tới học sinh là một hành trình dài, các thầy cô cần nỗ lực, ý trí, tự nâng cao năng lực của bản thân với phương châm Học để hiểu – làm để hiểu hơn – làm thường xuyên để tạo ra sự thay đổi”. PGS.TS cũng chia sẻ với các cấp quản lý nhà trường, Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT Bắc Giang về tầm quan trọng trong sự vào cuộc của các cấp quản lý, sự sát sao trong việc thực hiện và xây dựng các hoạt động áp dụng thực tiễn để nối dài kết quả của chương trình tập huấn.

Ồng Bạch Đăng Khoa và PGS.TS Chu Cẩm Thơ chủ trì thảo luận

Tổng kết hội nghị, Ông Bạch Đăng Khoa – Phó Giám đốc Sở yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tập huấn giai đoạn 3 cho 14.000 giáo viên phổ thông; yêu cầu các cấp quản lý các đơn vị cần rà soát, sắp xếp công việc tại các cơ sở để tạo điều kiện, giành thời gian cho giáo viên nghiên cứu, tập huấn đạt kết quả và hiệu quả cao. Đồng thời áp dụng các kiến thức được tập huấn thành các hoạt động tới học sinh với phương châm “Lấy sự tiến bộ của học sinh làm trung tâm”.

Ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở DG&ĐT Bắc Giang phát biểu tổng kết hội nghị

Các Bài viết mới nhất