(Trích Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế “Quản trị Nhà trường trong xu thể toàn cầu hóa và chuyển đổi số”, NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC HUẾ, 2022)
Vũ Anh Tuấn(1), Vũ Thanh Hằng(2)
Abstract: The article presents the role and mission of the school administrator in the context of the digital transformation of schools and the implementation of the 2018 general education program. By document research method, the article summarizes the challenges and lessons learned that school administrators worldwide face in the digital transformation of schools. Based on determining that the digital transformation of schools is a strategic change, the article makes some recommendations for school managers to be able to carry out a favourable digital transformation of schools and be successful.
Keywords: management, digital transformation, change, administration.
Tóm tắt: Bài báo trình bày vai trò, sứ mệnh của nhà quản lí trường học trong bối cảnh chuyển đổi số trường học và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bằng phương pháp nghiên cứu tài liệu, bài báo tổng kết các thách thức và bài học kinh nghiệm mà các nhà quản lí trường học trên thế giới gặp phải trong quá trình chuyển đổi số trường học. Trên cơ sở xác định chuyển đổi số trường học là một sự thay đổi mang tính chiến lược của trường học, bài báo đưa ra một số khuyến nghị cho các nhà quản lí trường học để có thể thực hiện chuyển đổi số trường học thuận lợi và thành công.
Từ khóa: quản lí, chuyển đổi số, thay đổi, quản trị.
1. Mở đầu
Khả năng thành công, hoặc nói đúng ra, là tồn tại của học sinh chúng ta trong một môi trường thay đổi sẽ phụ thuộc vào khả năng chúng ta thay đổi nội dung, phương pháp và đặc tính của giáo dục cho phù hợp với nhu cầu mới (Everard et al., 2004). Số hóa đã trở thành nhu cầu bắt buộc của cuộc sống, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt của cuộc sống đã hình thành cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0. Truyền thông trong nước và quốc tế liên tục nhắc đến các từ khóa về chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trẻ em ngày nay được bao quanh bởi công nghệ kĩ thuật số kể từ khi chúng ra đời, công nghệ số dán tiếp hoặc trực tiếp tác động đến tương lai của chúng. Trường học nói riêng và giáo dục nói chung cần trải qua một cuộc chuyển đổi sâu rộng để đáp ứng nhu cầu của thế hệ trẻ và lương lai số hóa của nhân loại.
Trong bối cảnh toàn cầu như vậy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành với mục tiêu hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực cho người học, với các cơ chế mở và nâng cao tự chủ của các trường học. Việc này đặt ra các thách thức không nhỏ cho các trường học về cách thức thực thi để đạt tới mục tiêu của chương trình. Còn nhiều băn khoăn và lúng túng về công tác quản lí, quản trị nhà trường trong bối cảnh chuyển đổi số và thực thi chương trình phổ thông 2018. Covid 19 giống như một liều thuốc thử, một tác động gia tốc buộc quá trình chuyển đổi số phải diễn ra trong các trường học một cách gấp rút, đồng thời cũng gióng lên các hồi chuông cảnh báo và làm bộc lộ các bất cập mà các nhà trường, các nhà quản lí gặp phải trong quá trình chuyển đổi số. Các khía cạnh của sự sẵn sàng kĩ thuật số, văn hóa cởi mở, định hướng chiến lược là những yếu tố đại diện thích hợp cho quá trình chuyển đổi số trường học; Ở chiều ngược lại, chuyển đổi số trường học có ý nghĩa quan trọng với tính bền vững và sự bình đẳng trong giáo dục, tăng khả năng tiếp cận với giáo dục chất lượng của người học (Agasisti et al., 2020).
2. Thách thức của nhà quản lí khi chuyển đổi số trường học
Việc chuyển đổi số ở bất kì tổ chức nào cũng là một tiến trình phức tạp, qua nhiều giai đoạn khác nhau, và đôi khi sẽ gián đoạn (Gale & Aarons, 2018). Trong quá trình này, các yếu tố có bản chất khác nhau (công nghệ, tổ chức, văn hóa) sẽ giao nhau (Matt et al., 2015). Báo cáo về việc sử sụng CNTT trong các trường học Châu Âu (Balanskat et al., 2006) đã chỉ ra các yếu tố tiêu cực tác động đến quá trình chuyển đổi số ở các tổ chức trường học: Thiếu kĩ năng công nghệ thông tin – hoặc năng lực kĩ thuật tốt, động lực thấp, thiếu niềm tin và đào tạo giáo viên không đầy đủ. Theo Cơ quan công nghệ và truyền thông giáo dục Anh các yếu tố ảnh hưởng tới việc chuyển đổi số trong giáo dục tương ứng với sự thiếu tự tin và lo lắng của đội ngũ giảng viên, thiếu đào tạo giáo viên, các vấn đề về tiếp cận các nguồn lực (thiếu phần cứng và phần mềm, tổ chức nguồn lực kém, hiện vật không đầy đủ), thiếu thời gian, các vấn đề kỹ thuật và thói quen chống lại sự thay đổi cùng với thái độ tiêu cực đối với công nghệ của nhân sự (British Educational Communications and Technology Agency, 2004).
Hew và Brush đã tiến hành phân tích tổng hợp 48 nghiên cứu xem xét các rào cản đối với việc tích hợp công nghệ vào dạy-học K-12. Các tác giả này nhận thấy rằng việc tích hợp CNTT-TT bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thái độ và niềm tin của giáo viên, cũng như việc thiếu kiến thức và kỹ năng công nghệ, thiếu khả năng sử dụng công nghệ sư phạm và quản lý lớp học, thiếu kỹ năng lãnh đạo, việc không có kế hoạch tích hợp công nghệ đúng thời điểm để cho phép trung tâm đảm nhận và tổ chức tầm nhìn toàn cầu và chia sẻ, cũng như thiếu các nguồn lực công nghệ hoặc khả năng tiếp cận chúng và các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật (Hew & Brush, 2007).
Keengwe và cộng sự đã chỉ ra rằng: Những rào cản chính mà giáo viên gặp phải trong việc sử dụng và tích hợp công nghệ máy tính trong lớp học bao gồm: thiếu máy tính và phần mềm có chất lượng phù hợp, thiếu thời gian, thiếu kinh phí, các vấn đề kỹ thuật, thái độ của giáo viên đối với máy tính, giáo viên thiếu tự tin, tâm lí phản kháng với thay đổi, ít hỗ trợ hành chính, ít đào tạo và thiếu tầm nhìn để tích hợp công nghệ vào chương trình giảng dạy (Keengwe et al., 2008).
Tóm lại, từ phía giáo viên, các thách thức và cản trở quá trình chuyển đổi số giáo dục tương ứng với hai loại yếu tố chính: (1) các yếu tố bên ngoài và các yếu tố ngoài tầm kiểm soát của giáo viên: khả năng tiếp cận công nghệ, thời gian và hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực, nội dung và đào tạo; (2) các rào cản hoặc yếu tố bên trong: ở cấp trường là văn hóa tổ chức; ở cấp giáo viên là niềm tin của họ về việc giảng dạy bằng công nghệ, cũng như bằng cấp hoặc năng lực của họ đối với sự cởi mở để thay đổi và đổi mới (Ertmer, 1999). Nghiên cứu của Manuel Area Moreira và các cộng sự trên 40 trung tâm và trường học thuộc hệ thống giáo dục công của quần đảo Canary, đã chỉ ra và làm rõ cấu trúc các yếu tố thách thức và cản trở quá trình chuyển đổi số của trường học liên quan tới các nhà quản lí trường học:
Các yếu tố và biến số liên quan đến các mối quan hệ:
- Thiếu sự lãnh đạo phân tán, có ý tưởng rõ ràng về sự tích hợp sư phạm của CNTT và đưa ra quyết định đưa chúng vào thực tế với sự cộng tác của giáo viên.
- Sự thiếu vắng của một giáo viên như là một hình mẫu thuyết phục về giá trị sư phạm của CNTT-TT, người thúc đẩy việc sử dụng CNTT ở trung tâm, trường học thông qua một loạt các hành động xác định.
Các yếu tố liên quan đến quy trình quản lí và văn hóa:
- Thiếu tầm nhìn chung của đội ngũ quản lý về tiềm năng giáo dục của CNTT-TT.
- Sự thiếu kinh nghiệm của trung tâm/trường học trong việc sử dụng CNTT-TT.
- Không có dự án hoặc kinh nghiệm sư phạm sử dụng CNTT từ các các trung tâm khác.
- Không có kế hoạch đào tạo giáo viên cho trung tâm hoặc kế hoạch đó thiếu các hành động góp phần đào tạo giáo viên về năng lực giảng dạy kỹ thuật số.
- Đội ngũ giáo viên có những thiếu sót và nhu cầu đào tạo về sử dụng CNTT trong sư phạm, và về kỹ năng thích ứng với các tài nguyên kỹ thuật số của bên thứ ba và tạo ra các tài nguyên kỹ thuật số của riêng họ.
- Một nền văn hóa tổ chức có xu hướng bảo tồn các thực hành giáo dục và không đổi mới (Moreira et al., n.d.).
So sánh với bối cảnh Việt Nam, từ việc khám phá việc sử dụng CNTT ở cấp độ lớp học và từ quan điểm của giáo viên, có thể nhận thấy thách thức đặt ra cho nhà quản lí trường học gồm hai vấn đề chính: cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Nếu yếu tố cơ sở vật chất là yếu tố có thể vượt qua miễn là được cung cấp đủ nguồn lực (và hầu hết đều vượt qua được), thì ở chiều ngược lại, yếu tố giáo viên lại là một thách thức to lớn, làm sao để giáo viên có thể vượt qua các trở ngại bên trong? Làm sao xây dựng niềm tin và động lực cho họ về chuyển đổi số? Tổ chức và sắp sếp công tác trong nhà trường như thế nào để có khoảng trống về thời gian cho giáo viên nhà trường tham gia các hoạt động đào tạo. Điều này cần sự quyết tâm lớn, tầm nhìn chiến lược đủ xa và kế hoạch thực hiện bài bản đến từ các nhà quản lí trường học.
3. Hiểu đúng về chuyển đổi số trường học
3.1 Chuyển đổi số là một sự thay đổi
Chuyển đổi số, tức là “một quá trình nhằm cải thiện một thực thể bằng cách kích hoạt những thay đổi đáng kể đối với các thuộc tính của nó thông qua các kết hợp công nghệ thông tin, máy tính, truyền thông và kết nối” (Vial, 2019), nói chung đang diễn ra trong tất cả các lĩnh vực của chúng ta, cuộc sống và ảnh hưởng đến tất cả mọi người từ trẻ sơ sinh đến người già. Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Ở Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào ngày 03/6/2020. Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Trong khi tin học hóa, hay ứng dụng công nghệ thông tin, là số hóa quy trình đã có, theo mô hình hoạt động đã có, để cung cấp dịch vụ đã có. Chuyển đổi số là số hóa toàn bộ cả một tổ chức, là thay đổi để tạo ra quy trình mới, mô hình tổ chức mới, phương thức cung cấp dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ mới (Bộ Thông tin và truyền thông, 2021). Theo Vial, Quán tính và sự kháng cự đã được xác định là rào cản hàng đầu trong chuyển đổi số kế tiếp các rào cản về công nghệ, văn hóa, thực hành, kỹ năng và năng lực của con người cũng như các giá trị, thái độ, bản sắc và tư duy (Vial, 2019).
Chuyển đổi số trường học là một dạng chuyển đổi số của tổ chức, có thể được hiểu là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện trường học về cách mà trường học tồn tại và vận hành dựa trên công nghệ số bao gồm đầy đủ các hoạt động, chức năng của trường học.
Sơ đồ chức năng chuyển đổi số trường học
Theo Severin và Valverde quá trình chuyển đổi số trường học diễn ra theo 4 giai đoạn (Severin et al., n.d.; Valverde-Berrocoso et al., 2015):
Giai đoạn bắt đầu. Trường học chưa có Kế hoạch CNTT-TT, không tự xây dựng các dự án về CNTT-TT, cũng như không tham gia các dự án hợp tác với các trường học khác. Trong lớp học, giáo viên làm trung tâm chiếm ưu thế và học sinh bị hạn chế tiếp cận với công nghệ. Giáo viên không sử dụng (hoặc chỉ sử dụng rất ít) tài nguyên kỹ thuật số. Trường học không xuất hiện trên Internet (không có trang web) hoặc không hoạt động (không được cập nhật). Trường học hoặc viện không liên lạc với gia đình thông qua ICT. Giáo viên không sử dụng CNTT để liên lạc hoặc phối hợp.
Giai đoạn Ứng dụng. Các yếu tố công nghệ thông tin được đưa vào kế hoạch nhà trường, nhưng không xây dựng dự án riêng với công nghệ. Các lớp học lấy giáo viên làm trung tâm, CNTT-TT được kết hợp không thường xuyên và học sinh được tiếp cận thường xuyên với CNTT-TT. Giáo viên sử dụng tài liệu kỹ thuật số từ các nhà xuất bản sách giáo khoa và các kho tổ chức, nhưng không tạo tài liệu của riêng họ. Trường học có trang tin được cập nhật tương đối thường xuyên, tham gia vào các nền tảng và mạng lưới tổ chức và phi tổ chức. Trường học bắt đầu giao tiếp với gia đình thông qua CNTT-TT, giáo viên của trung tâm cũng bắt đầu sử dụng chúng để giao tiếp và phối hợp với nhau, hầu hết các quy trình quản trị được thực hiện với CNTT, mặc dù không phải tất cả giáo viên đều biết cách sử dụng chúng.
Giai đoạn Tích hợp. Trường học có kế hoạch CNTT-TT, phát triển các dự án với các công nghệ, chúng được sử dụng trong các lĩnh vực và môn học khác nhau như một nguồn tài liệu giáo khoa và để phát triển năng lực kỹ thuật số. Trường học tham gia các dự án và mạng hoạt động giáo dục trực tuyến, các lớp học lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên đảm nhận vai trò người điều khiển hoạt động cộng tác của học sinh, giáo viên chuẩn bị và sử dụng tài liệu kỹ thuật số của riêng mình. Trường học có một trang web cập nhật, tham gia vào các nền tảng và mạng lưới tổ chức và phi tổ chức, học sinh và gia đình có thể truy cập một số thông tin trực tuyến hoặc blog nhóm/lớp và/hoặc chủ đề, giáo viên sử dụng ICT để liên lạc và trao đổi thông tin, hầu hết tất cả các quy trình hành chính đều được thực hiện với CNTT-TT và hầu như tất cả các giáo viên đều biết cách sử dụng chúng.
Giai đoạn chuyển đổi là giai đoạn trưởng thành cao nhất, được đặc trưng bởi: trong lớp học và ở trung tâm, việc học tập và chia sẻ kiến thức có giá trị được tạo ra, đồng thời phát triển tính tự chủ và tư duy phản biện của cả giáo viên và học sinh. Trường học có Kế hoạch CNTT-TT, cho thấy tầm nhìn chung về việc sử dụng các công nghệ trong trường học và dự kiến sự phát triển của các dự án khác nhau với các công nghệ mà toàn bộ cộng đồng giáo dục trường học tham gia. Trường học tham gia vào các dự án giáo dục trực tuyến và mạng, tạo thành một môi trường học tập lâu dài, trong đó học sinh và giáo viên cộng tác trong việc tạo ra và truyền đạt kiến thức, giáo viên tạo và sử dụng các tài nguyên kỹ thuật số cũng như chia sẻ chúng trên mạng. Trường học có trang tin cập nhật, tham gia vào các nền tảng tổ chức và phi tổ chức, các mạng xã hội. Trường học luôn mở cửa thông qua Internet, thúc đẩy truyền thông giáo dục và một mạng xã hội bao gồm không chỉ gia đình mà còn cả xã hội. Đội ngũ giáo viên viên sử dụng CNTT như một phương tiện giao tiếp, phối hợp giảng dạy và trung tâm sử dụng CNTT trong các nhiệm vụ quản lý và điều hành mà tất cả các cán bộ giảng dạy đều tham gia.
3.2 Sứ mệnh của nhà quản lí trong chuyển đổi số trường học
Quản lí theo nghĩa rộng nhất có thể được hiểu là: đề ra phương hướng, mục đích và mục tiêu; lập kế hoạch tiến độ thực hiện để đạt được mục tiêu; tổ chức các nguồn lực có sẵn để đạt được mục tiêu một cách kinh tế nhất theo kế hoạch đề ra; kiểm soát tiến trình thực hiện, đề ra và nâng cao chuẩn của tổ chức. Theo nghĩa hẹp hơn, quản lí bao hàm thêm nghĩa chỉ đạo công việc của người khác. Khi hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, khi chiếu xuống hệ quy chiếu trường học, một giáo viên bất kì đều có thể coi là một nhà quản lí (Everard et al., 2004). Trong phạm vi bài báo này, “cán bộ quản lí” trường học được hiểu theo nghĩa thông thường là những cá nhân trong trường học có trách nhiệm nhất định trong việc lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm soát công việc của các cán bộ, nhân viên khác trong trường. Theo cách hiểu này, xác lập sứ mệnh của cán bộ quản lí trong trường học là: tích hợp các nguồn lực để theo đuổi các mục tiêu một cách hiệu quả, đồng thời là tác nhân của sự thay đổi hữu hiệu, giữ vai trò duy trì-phát triển các nguồn lực, và mục tiêu cuối cùng của mọi trường học là sự thành công của học sinh.
Theo các phân tích ở trên, chuyển đổi số trong trường học là một sự thay đổi trong trường học, cũng có thể coi là một sự phát triển của trường học để phù hợp với các yêu cầu của thực tiễn. Trong bài giảng của mình năm 1971, Donald Schon đã khẳng định rằng: Các tổ chức khá bảo thủ: nói như vậy có nghĩa là họ đấu tranh mãnh liệt để giữ nguyên tổ chức của mình. Chỉ khi nào tổ chức không thể đẩy lùi, bỏ qua, chế ngự hoặc chuyển đổi nguy cơ đe doạ thì tổ chức mới chịu phản ứng lại. Nhưng sự phản ứng đó chỉ mang lại sự thay đổi nhỏ nhất không đáng kể hoặc mang tính hình thức mà thôi. Qua đó, có thể thấy rằng, sứ mệnh quan trọng nhất của các nhà quản lí trường học trong công cuộc chuyển đổi số trường học là quản lí và lãnh đạo sự thay đổi. Nhà quản lí trước tiên cần:
(1) Hiểu được bản chất của chuyển đổi số trường học,
(2) Đánh giá đúng được tính phức tạp của việc chuyển đổi số trường học
(3) Tập hợp và chuẩn bị nguồn lực cho chuyển đổi số trường học
(4) Tiếp cận chuyển đổi số trường học một cách có hệ thống
(5) Quản lí hiệu quả giai đoạn quá độ
4. Khuyến nghị dành cho nhà quản lí để chuyển đổi số trường học
4.1 Trang bị kĩ năng quản trị sự thay đổi
Dành thời gian để trau dồi kiễn thức và năng lực số thông tin cho chính bản thân mình để luôn là nhà lãnh đạo cho cuộc chuyển đổi số ở trường học của mình chứ không phải chỉ là nhà quản lí. Bản chất của chuyển đổi số trường học vẫn là một sự thay đổi. Nhà quản lí không thể lãnh đạo và quản trị một sự thay đổi mà không bắt đầu từ bản thân mình. Nhà quản lí cần trang bị các kĩ năng quản trị sự thay đổi. Điểm xuất phát là hãy đặt mình vào vị trí của giáo viên, của học sinh, của phụ huynh hay bất cứ lực lượng nào khác tham gia vào quá trình chuyển đổi số trường học để trải nghiệm. Tiếp sau đó là các kĩ năng quản trị sự thay đổi và dù có lựa chọn mô hình nào để quản trị sự thay đổi, hãy luôn đảm bảo rằng: nhà quản lí thấu hiểu được cuộc chuyển đổi số ở trường học của mình; đảm bảo tính hiệu quả của chuyển đổi số trong trường học của mình thông qua việc đầu tư vào nỗ lực chuẩn bị thay vì nỗ lực sửa sai; đảm bảo vai trò giám sát và sự hiện diện của nhà quản lí trong suốt quá trình diễn ra chuyển đổi số trường học; tận dụng tối đa các công cụ truyền thông, giao tiếp để tập thể, cấp trên, thuộc cấp và các lực lượng khác tham gia vào quá trình chuyển đổi số trường học hiểu điều nhà quản lí đang làm và mục tiêu mà nhà quản lí hướng tới.
4.2 Chuẩn bị đủ nguồn lực
Theo các phân tích ở trên, trang thiết bị, máy móc, phần mềm… và các yếu tố thuộc về cơ sở hạ tầng nói chung không phải thách thức hàng đầu của chuyển đổi số trường học, cản trở to lớn hàng đầu của chuyển đổi số trường học chính là yếu tố con người. Nhà quản lí trường học cần có kế hoạch kĩ lưỡng để chuẩn bị nguồn lực con người cho việc chuyển đổi số trường học của mình bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, nhận thức, kĩ năng của tập thể giáo viên trong trường học, tổ chức các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn và kĩ năng số, khai thác và sử dụng công nghệ số trong dạy học, mô hình chuyển đổi số trường học … Có như vậy thì cản lực sẽ dần biến thành trợ lực và nguồn sức mạnh chính để trường học chuyển đổi số thành công. Song song với quá trình chuẩn bị nguồn nhân lực, lên kế hoạch chi tiết cho vật lực và tài lực, để đảm bảo hỗ trợ tối đa cho các lực lượng nhân lực tham gia vào quá trình chuyển đổi số trường học.
4.3 Bắt đầu với hoạt động dạy và học
Chuyển đổi số trường học và chuyển đổi số trong bất kì lĩnh vực nào, tổ chức nào là một quá trình phức tạp, tốn nhiều sức người, sức của. Lập bản đồ hoạt động trường học, xác định bắt đầu quá trình chuyển đổi số trường học từ đâu căn cứ vào sứ mệnh của trường học là giáo dục học sinh, hãy bắt đầu các hoạt động chuyển đổi số trường học từ chuyển đổi số hoạt động dạy, học dạy và học.
5. Kết luận
Một cán bộ quản lí thành công phụ thuộc vào việc sử dụng ý tưởng và tài năng của một tập thể để đi đến những quyết định và việc làm mà các thành viên trong tập thể cảm thấy mình phải tận tâm và việc đảm bảo những quyết định và việc làm đó được thực hiện. Trong cuộc chuyển đổi số trường học, nhà quản lí không chỉ giữ vai trò quản lí mà còn đảm nhận vai trò lãnh đạo ngôi trường của mình, nhà quản lí không thể làm cho trường học chuyển đổi số mà không bắt đầu với sự chuyển đổi số từ bản thân mình, sự chuyển đổi tư duy số cho tập thể của mình.
Tài liệu tham khảo
Agasisti, T., Frattini, F., & Soncin, M. (2020). Digital innovation in times of emergency: Reactions from a school of management in Italy. Sustainability (Switzerland), 12(24), 1–17. https://doi.org/10.3390/su122410312
Balanskat, A., Blamire, R., & Kefala, S. (2006). The ICT Impact Report A review of studies of ICT impact on schools in Europe. http://partners.becta.org.uk/index.php?section=bp&catcode=_be_em_02
Bộ Thông tin và truyền thông. (2021). Cẩm nang chyển đổi số. Nhà xuất bản thông tin và truyền thông.
British Educational Communications and Technology Agency. (2004). A review of the research literature on barriers to the uptake of ICT by teachers. http://www.becta.org.uk
Ertmer, P. A. (1999). Addressing first- and second-order barriers to change: Strategies for technology integration. Educational Technology Research and Development, 47(4), 47–61. https://doi.org/10.1007/BF02299597
Everard, K. B., Morris, G., & Wilson, I. (2004). Effective School Management (4th ed.). Paul Chapman Publishing.
Gale, M., & Aarons, C. (2018). DIGITAL TRANSFORMATION. Leader to Leader, 2018(90), 30–36. https://doi.org/10.1002/ltl.20390
Hew, K. F., & Brush, T. (2007). Integrating technology into K-12 teaching and learning: Current knowledge gaps and recommendations for future research. Educational Technology Research and Development, 55(3), 223–252. https://doi.org/10.1007/s11423-006-9022-5
Keengwe, J., Onchwari, G., & Wachira, P. (2008). Computer Technology Integration and Student Learning: Barriers and Promise. Journal of Science Education and Technology, 17, 560–565. https://doi.org/10.1007/s10956-008-9123-5
Matt, C., Hess, T., & Benlian, A. (2015). Digital Transformation Strategies. In Business and Information Systems Engineering (Vol. 57, Issue 5, pp. 339–343). Gabler Verlag. https://doi.org/10.1007/s12599-015-0401-5
Moreira, M. A., Santana Bonilla, P. J., Sanabria Mesa, A. L., Moreira, M. A., Joel, P., Bonilla, S., & Sanabria Mesa, A. L. (n.d.). La transformación digital de los centros escolares. Obstáculos y resistencias Obstáculos y resistencias. http://greav.ub.edu/der/
Severin, E., Peirano, C., & Falck, D. (n.d.). Guía Básica para la Evaluación de Proyectos Tecnologías para la Educación. http://www.iadb.org
Valverde-Berrocoso, J., Arroyo, M., Fernández Sánchez, M., Sosa Díaz, M., Revuelta-Domínguez, F., & Arriazu, R. (2015). El proyecto de educación digital en un centro educativo. Guía para su elaboración y desarrollo.
Vial, G. (2019). Understanding digital transformation: A review and a research agenda. In Journal of Strategic Information Systems (Vol. 28, Issue 2, pp. 118–144). Elsevier B.V. https://doi.org/10.1016/j.jsis.2019.01.003