CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Các ý kiến tại hội thảo cung cấp góc nhìn đa chiều về bức tranh tổng thể cho giáo dục Việt Nam trong thời đại số.

– Ngày 12/5, Trường Cán bộ Quản lý (CBQL) giáo dục TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục trong kỷ nguyên số”. Hội thảo có sự tham dự của đông đảo chuyên gia, CBQL giáo dục các tỉnh, thành trong cả nước.

Theo TS Vũ Quảng, quyền Hiệu trưởng Trường CBQL giáo dục TPHCM, với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2022 phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” nhằm tạo ra những đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo; đồng thời xác định người học và nhà giáo chính là trung tâm của quá trình chuyển đổi số; lợi ích mang lại cho người học, đội ngũ nhà giáo và người dân là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được nêu trong Đề án chính là: Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học, bao gồm: đổi mới mô hình dạy – học; phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung; phát triển, ứng dụng các nền tảng số phục vụ dạy – học và triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số. Các nhiệm vụ này cũng được cụ thể hóa trong Quyết định số 1282/QĐ-BGDĐT về việc ban hành Kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025. “Trong bối cảnh này, hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp khoa học phù hợp góp phần phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên và CBQL, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời đại số” – TS Vũ Quảng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến tập trung vào nghiên cứu các vấn đề lý luận, các phương thức và mô hình đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên và CBQL trong kỷ nguyên số; nghiên cứu thực trạng và chia sẻ kinh nghiệm về những phương thức tổ chức dạy học và đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh trong các môn học trong chương trình phổ thông; nghiên cứu các phương thức và biện pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL, giáo viên trong nhà trường để nâng cao hiệu quả công tác đổi mới giáo dục và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018… Các đại biểu cũng đã khẳng định được vai trò, vị trí của số hóa và những khó khăn, thách thức của giáo dục trước yêu cầu đối mới; về thực trong chuyển đổi số tại các trường phổ thông hiện nay; cùng với đó là thực trạng học tập trực tuyến của học sinh, thực trạng quản lý hoạt động dạy học và các hoạt động giáo dục, công tác bồi dưỡng giáo viên, CBQL tại các cơ sở giáo dục.

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo bền vững là nhiệm vụ của cả hệ thống giáo dục. Thực tiễn tại các trường học và địa phương cho thấy, các giáo viên đang kỳ vọng vào sự thay đổi mang tính dẫn dắt của thi cử, kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi về các quy định mà chưa trở thành hành động của giáo viên, của nhà trường, của cơ quan quản lý thì việc đổi mới đánh giá quá trình, kết quả học tập của học sinh rất khó để đạt yêu cầu. Mặc dù đã được tập huấn thông qua các chương trình bồi dưỡng của ngành giáo dục, song để triển khai hiệu quả các quy định về đánh giá năng lực người học thì các giáo viên cần được hướng dẫn, tạo bối cảnh thực hành sát sao. Sự quyết tâm thay đổi hệ thống đánh giá kết hợp quá trình chuyển đổi số có thể tạo ra sự thành công như mong đợi.

Với nhiều góc nhìn đa chiều và cách tiếp cận khác nhau, hội thảo lần này đã phác họa được bức tranh tổng thể về những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức cho giáo dục Việt Nam trong thời đại số. Do đó, để phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục, đồng thời triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo đúng lộ trình, đảm bảo mục tiêu cần có tham gia đồng bộ của tất cả các lực lượng trong xã hội. Trong đó, mỗi CBQL phải luôn chủ động, không ngừng học tập, bồi dưỡng, phát huy năng lực của mình đáp ứng yêu cầu quản lý nhà trường trong môi trường số.

Nguồn: Trang tin điện tử – Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh.

https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/chuyen-doi-so-trong-giao-duc-con-nhieu-thach-thuc-1491908393

 

 

 

Các Bài viết mới nhất