Ngày 12/7/2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Việt Trì phối hợp với Công ty Cổ phần Giáo dục toàn cầu Adaptive Learing (AEGlobal) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục tại thành phố Việt Trì: Tầm nhìn, chiến lược và giải pháp”. Với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học; đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý và điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và góp phần vào công cuộc chuyển đổi số trong Giáo dục tại Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Việt Trì.
Tham dự hội thảo có đại diện Phòng Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Phú Thọ; bà Nguyễn Thu Hiền – Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì; ông Đào Mạnh Thắng – Trưởng Phòng GD&ĐT; ông Phạm Đức Chiển – Phó Trưởng phòng GD&ĐT; PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục), chuyên gia cao cấp của Bộ GD&ĐT; PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Giám đốc Trung tâm đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cùng đông đảo cán bộ quản lý các nhà trường trên địa bàn thành phố Việt Trì và Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Giáo dục Toàn cầu Adaptive Learning.
Phát biểu định hướng tại hội thảo, bà Nguyễn Thu Hiền – Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì nhấn mạnh, ngành Giáo dục là đơn vị tiên phong về chuyển đổi số của thành phố. Đây là một bước quan trọng trong hiện thực hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bà Hiền hi vọng từ nay đến cuối năm, việc chuyển đổi số ở ngành giáo dục sẽ không còn xa lạ. Sau hội thảo sẽ tạo nên bước tiến mới để xây dựng xã hội số trong thời gian tới.
Để công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực Giáo dục được thực sự hiệu quả, ông Phạm Đức Chiển – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Việt Trì đã không ngần ngại chia sẻ về hiện trạng ứng dụng CNTT: 92% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ tin học cơ bản; 5% giáo viên có trình độ tin học nâng cao, 100% nhà trường được kết nối Internet, 40% phòng học được kết nối wifi, 86% phòng học được trang bị máy chiếu, tỉ lệ máy tính/giáo viên là 31% và số máy tính bình quân/ trường phục vụ công tác quản lý là 4 máy.
Khi ứng dụng CNTT trong công tác dạy học, kiểm tra đánh giá: Sau COVID, 100% nhà trường quay trở lại với dạy học trực tiếp hoàn toàn; 14% nhà trường sử dụng các phần mềm để giao bài kiểm tra online; 75% nhà trường sử dụng Violet và Google để xây dựng kho tài liệu, giáo án, bài giảng, học liệu điện tử; 81% nhà trường sử dụng phần mềm để soạn bài giảng điện tử; nhưng chưa có nhà trường nào sử dụng công cụ hỗ trợ dạy học phân hóa, kiểm tra đánh giá theo năng lực.
Chia sẻ thêm về ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành và dịch vụ công, ông Chiển cho biết: 100% người học, 100% nhà giáo được quản lý bằng hồ sơ số với định danh thống nhất toàn quốc; 100% các trường triển khai hệ thống thư điện tử, ứng dụng quản lý văn bản điều hành; 100% các trường có trang web thông tin riêng, có sổ liên lạc điện tử; nhưng chỉ có 1/52 trường có hệ thống đăng ký tuyển sinh đầu cấp (trường TH Đinh Tiên Hoàng) (tương đương 4%) và chưa có trường nào triển khai dịch vụ đăng ký nghỉ học, đăng ký ngoại khóa.
Nhìn chung, CSVC và trình độ ứng dụng CNTT của giáo viên và cán bộ quản lý của Phòng GD&ĐT thành phố Việt Trì bước đầu đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số. Việt Trì luôn là đơn vị tiên phong trong ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ, có hệ thống cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Tuy nhiên, Việt Trì chưa có mô hình, phương thức tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá ứng dụng CNTT hiệu quả, chưa có hệ dữ liệu dạy học tập chung, chuẩn hóa, chưa có đề án chi tiết, cụ thể thực hiện CĐS toàn ngành giáo dục và các nhà trường.
Ông Chiển cho rằng, nhiệm vụ trong thời gian tới của ngành giáo dục Việt Trì là nghiên cứu mô hình, giải pháp công nghệ, triển khai thí điểm ứng dụng CĐS nhằm hiện thực hóa mục tiêu đổi mới quản lý giáo dục và đổi mới phương pháp tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố hoàn thiện việc chuyển đổi số trong hoạt động dạy học và giáo dục.
Trong khuôn khổ buổi hội thảo, các chuyên gia, khách mời cũng cùng chia sẻ thêm những góc nhìn mới, đa chiều, toàn diện về chuyển đổi số trong giáo dục.
PGS. TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ: Chuyển đổi số trong giáo dục, xây dựng trường học thông minh là yêu cầu cấp bách của các nhà trường. Chuyển đổi số trong giáo dục thể hiện ở sự hài hòa giữa các yếu tố con người, quy trình thực hiện và công nghệ, tầm nhìn vì con người (tức đội ngũ nhà giáo và học sinh), sáng tạo thích ứng nhanh với bối cảnh đặt trên nền tảng công nghệ và năng lực số.
Cũng theo PGS. TS Chu Cẩm Thơ, có 5 nhóm giải pháp xây dựng trường học thông minh và có 4 vai trò trọng yếu trong chuyển đổi số gồm: Khơi dậy sự thông minh của đội ngũ người học; lựa chọn hướng đi công nghệ là giải pháp, con người là đích đến; công nghệ gắn liền với quản trị dạy học, tạo ra trường học số và hệ sinh thái linh hoạt, thích ứng. Chuyển đổi số cũng cần có hệ sinh thái, giải pháp để kết nối được mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Cùng với đó, Công nghệ thích ứng: Giải pháp dạy và học hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực người học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh 4.0 cũng được PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền chia sẻ và phân tích rất cụ thể.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền lấy ví dụ về mô hình của một đội bóng để minh họa cho Chương trình GDPT 2018. Tức là, mỗi con người có một tiềm năng để dẫn dắt cho các em phát triển tiềm năng của chính mình. Không phải ai cũng là một cầu thủ Quang Hải ghi bàn giỏi mà không có hàng hậu vệ hay thủ môn giỏi để đội bóng giành chiến thắng.
Giáo dục phát triển phẩm chất năng lực học sinh là giáo viên dạy theo hướng tương tác. Cả người dạy và người học đều kiến tạo ra tri thức mới. Tập trung vào chất lượng tri thức chứ không phải là bắt các em học tất cả các thứ có sẵn. Chuyển đổi số giúp các em có tư duy hệ thống trong thế giới 4.0. Chỉ có công nghệ thì giáo viên mới lan tỏa và giúp học sinh tiếp cận được chất lượng giáo dục như tiếp xúc với giáo viên giỏi. Ứng dụng CNTT hỗ trợ đổi mới dạy – học và kiểm tra, đánh giá quyết định sự thành bại của chuyển đổi số trong giáo dục.
Ông Đặng Quang Trung – Hiệu trưởng trường THCS Hùng Lô chia sẻ: “Trong bối cảnh hiện nay thì việc chuyển đổi số mang tính tất yếu. Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên, sau y học, chuyển dần từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến dựa vào ứng dụng CNTT… Các nhà trường của ta đã áp dụng phần nào việc ứng dụng này, nhưng chưa được làm bài bản cụ thể, có tính hệ thống và logic. Xin hỏi các chuyên gia 2 câu hỏi: Chúng ta nên bắt đầu chuyển đổi số bằng nội dung nào, các nhà trường nên đi theo lộ trình nào để chuyển đổi số?”
Trả lời cho câu hỏi này, PGS. TS Chu Cẩm Thơ cho biết, nếu ứng dụng công nghệ theo cách cũ thì giáo dục rất khó để phát triển, phải ứng dụng phương pháp mới, thực hiện CĐS, đặt câu hỏi xem công nghệ có dễ dùng không, phù hợp không, hấp dẫn không. Làm sao để có một giải pháp trường học đồng bộ, thống nhất. Và giải pháp trường học thông minh, hay giải pháp chuyển đổi số trường học dựa trên Công nghệ thích ứng của AEGlobal đã đạt được những tiêu chí phù hợp nhất.
Ông Vũ Anh Tuấn – Giám đốc Sáng tạo của AEGlobal bày tỏ: Muốn có học tập thích ứng phải có 3 trụ cột nền móng gồm Kho học liệu số, Hệ thống kiểm tra đánh giá theo thời gian thực và Hệ thống quản trị đào tạo. Quản trị theo thời gian thực song song với học tập thích ứng, Hệ sinh thái giáo dục AEGlobal cung cấp hệ thống quản trị đào tạo giúp nhà trường và các cấp quản lý giáo dục thuận tiện trong việc: Quản lý nội dung dạy học, Quản lý chất lượng dạy học, Quản trị vận hành hiệu quả, từ đó hỗ trợ quản lý, vận hành việc dạy và học tại các nhà trường, hỗ trợ ra quyết định kịp thời, chính xác theo thời gian thực… Chuyển đổi số nên bắt đầu từ con người.
Trao đổi tại hội thảo, bà Lê Thị Hồng Yến – Hiệu trưởng trường TH Thọ Sơn đặt câu hỏi: “Việc chuyển đổi số trong giáo dục sẽ giúp ích gì cho việc thực hiện mục tiêu của chương trình phổ thông 2018 hiện nay?”. Giải đáp cho câu hỏi này, PGS. TS Đặng Thị Thanh Huyền chia sẻ: “CĐS là việc thực hiện chương trình mới, thay đổi mục tiêu từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực học sinh, dẫn tới thay đổi phương pháp, nội dung, kiểm tra đánh giá và môi trường giáo dục học sinh. Nếu ko thực hiện CĐS mà dạy theo cách cũ thì ta chỉ trao kiến thức cho học sinh, nhưng dạy theo cách mới thì phát triển năng lực của học sinh được tốt nhất. Ngay trong cùng một trường học cũng có thể lựa chọn các nội dung dạy học khác nhau, phù hợp cho từng lớp, từng học sinh. Dạy học theo phương pháp mới sẽ lưu vết hoạt động học tập của học sinh, biết học sinh yếu phần kiến thức nào để gợi ý kiến thức cho học sinh củng cố. Tất cả thông tin dạy và học được lưu trên hệ thống. Giáo viên có thể lên lịch dạy và bài dạy nhanh chóng. Quản lý sẽ xem xét được cách dạy, phương pháp dạy của giáo viên để từ đó có hướng điều chỉnh hợp lý hơn… Tất cả khâu hoạt động đều được đồng bộ tổng thể, từ thời khóa biểu cho đến phân công lịch dạy, từ hoạt động dạy của giáo viên đến hoạt động học tập của học sinh, giúp dễ dàng quản lý và đánh giá, điều chỉnh. Người quản lý cũng sẽ nhẹ nhàng hơn và rõ ràng hơn trong vấn đề quản trị nhân sự.”
Kết thúc hội thảo, Ông Đào Mạnh Thắng – Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Việt Trì đã gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả các vị khách quý, các chuyên gia đã đến tham dự và khẳng định rất rõ ràng rằng, CĐS trong giáo dục có hai nội dung cần thực hiện: Đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học lên môi trường số; và đổi mới phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu. Việt Trì đã bước những bước đầu tiên trong công cuộc CĐS và tin chắc rằng công cuộc chuyển đổi số trong Giáo dục tại Việt Trì sẽ đạt được những bước tiến vượt trội và thành công rực rỡ trong tương lai.