CƠ HỘI CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC TẠI VIỆT NAM – TỪ THỂ CHẾ ĐẾN THỰC TIỄN

Chu Cẩm Thơ 1, Nguyễn Thị Quỳnh Anh 2, Nguyễn Tiến Đạt 3, Vũ Anh Tuấn 4

(Trích Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế “Quản trị Nhà trường trong xu thể toàn cầu hóa và chuyển đổi số”, NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC HUẾ, 2022)

TÓM TẮT

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đã trở thành mục tiêu hành động của Chính phủ Việt Nam. Dạy học và kiểm tra đánh giá trong nhà trường là trọng tâm của lĩnh vực giáo dục. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã được thực hiện nhiều năm. Dạy học trực tuyến trong đại dịch COVID-19 đã tạo thói quen làm việc trên máy tính, điện thoại thông minh cho giáo viên và học sinh; tuy nhiên thực tế cho thấy hầu hết giáo viên phải sử dụng quá nhiều công cụ, dữ liệu chưa được số hóa, chuẩn hóa, thiếu đồng bộ của mô hình đã khiến nảy sinh những áp lực cho công việc và khó khăn trong vận hành. Bài báo tiếp cận từ thực trạng bối cảnh thể chế quốc gia và những yêu cầu chuyển đổi số khuyến nghị từ khoa học giáo dục để phân tích cơ hội chuyển đổi số tại Việt Nam trong phạm vi giáo dục phổ thông.

Từ khóa: chuyển đổi số, chuyển đổi số trong nhà trường, dạy học kết hợp.

1. Thực trạng chuyển đổi số trong các nhà trường phổ thông ở Việt Nam

1.1 Những yêu cầu từ thể chế

Thuật ngữ “chuyển đổi số” được nhắc đến nhiều trong những năm trở lại đây, khi thế giới bước vào thời đại bùng nổ Internet và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, đưa chuyển đổi số trở thành mục tiêu hành động của Chính phủ Việt Nam, trong đó giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện (theo [1]). Đề án cũng nêu rõ nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục cần tập trung vào việc phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.

Tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” , với quan điểm chính là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số tạo đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo; đồng thời xác định người học và nhà giáo chính là trung tâm của quá trình chuyển đổi số; lợi ích mang lại cho người học, đội ngũ nhà giáo và người dân là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số (theo [2]). Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được nêu trong Đề án chính là: Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học, bao gồm: đổi mới mô hình dạy – học; phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung; phát triển, ứng dụng các nền tảng số phục vụ dạy – học và triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số. Các nhiệm vụ này cũng được cụ thể hóa trong Quyết định số 1282/QĐ-BGDĐT về việc ban hành Kế hoạch tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025 như sau: (1) Triển khai, thí điểm triển khai các mô hình dạy – học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp (lớp học thông minh, nhóm học tương tác, tự học với trợ lý ảo) phù hợp với điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế của giáo dục phổ thông (GDPT) và giáo dục thường xuyên (GDTX); (2) Xây dựng một số trung tâm đào tạo và nghiên cứu xuất sắc về công nghệ theo hình thức hợp tác công – tư cho giáo dục đại học; (3) Phát triển các kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung cho GDPT, GDTX và Giáo dục mầm non; (4) Xây dựng mô hình đại học số và triển khai thí điểm; (5) Triển khai thí điểm chương trình sách giáo khoa mở cho phép HSSV truy cập trực tuyến miễn phí (theo [3])

Như vậy, về mặt thể chế, các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục đã rất rõ ràng. Theo đó chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo trong giai đoạn sắp tới cần phải đặt trọng tâm vào chính các hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá trong nhà trường, theo hướng tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả công việc cho người dạy, đồng thời mang lại những trải nghiệm học tập tốt nhất, phù hợp với năng lực của mỗi cá nhân người học, từ đó nâng cao chất lượng dạy học.

1.2 Thực tiễn dạy học ở trường phổ thông

Trước đây, việc dạy học và kiểm tra đánh giá tại các nhà trường phổ thông ở Việt Nam được thực hiện theo hình thức trực tiếp là phổ biến. Đại dịch COVID-19 xảy ra đã trở thành động lực trong việc thay đổi thói quen dạy và học của giáo viên và học sinh trong các nhà trường. Chia sẻ tại “Ngày hội Công nghệ Giáo dục 2021 – Tương lai Giáo dục hậu Covid” do Microsoft Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 24/12/2021, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Đại dịch Covid-19 có thể coi là cú huých với các trường học trong cả nước để tăng tốc tiến trình chuyển đổi số ngành giáo dục đào tạo. Trong hai năm vừa qua, ngành giáo dục đào tạo đã ghi nhận tỷ lệ học sinh học trực tuyến đạt 80% trên cả nước. Năng lực số của đội ngũ giáo viên đã gia tăng đáng kể thông qua việc sử dụng thành thạo, hiệu quả và sáng tạo các giải pháp công nghệ phục vụ giảng dạy.”

Theo Chu Cẩm Thơ ([4]), mặc dù hình thức dạy học đã được chuyển đổi, từ trực tiếp sang trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến, nhưng lại chưa có sự chuyển hóa cho phù hợp về nội dung dạy học, cũng như chưa có một phần mềm để hỗ trợ dạy học, quản lí nội dung dạy học và kiểm tra đánh giá. Điều này đã khiến cho việc dạy học trực tuyến chỉ đơn thuần là việc dịch chuyển từ không gian trực tiếp sang không gian lớp học ảo, mà chưa phát huy được hết sức mạnh của công nghệ trong việc hỗ trợ dạy học.

Để tìm hiểu về hiện trạng cơ sở vật chất và tình hình dạy học, kiểm tra đánh giá và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 tại các nhà trường phổ thông hiện nay, trong thời gian từ tháng 11/2021 đến tháng 8/2022, chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại quản lý và giáo viên tại 49 trường trên địa bàn Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, thông qua bảng hỏi và phỏng vấn trực tiếp đối tượng khảo sát. Kết quả khảo sát cho thấy: 100% các trường tham gia khảo sát đều được trang bị mạng internet; các Nhà trường đều có nhân sự kiêm nhiệm phụ trách CNTT; 100% các trường đồng ý: có sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học, kiểm tra đánh giá, nhưng hầu hết là phần mềm miễn phí, chủ yếu liên quan đến việc giao bài tập về nhà; các phần mềm không có kho học liệu để đồng bộ các hoạt động tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá; ngữ liệu dạy học để sử dụng các phần mềm này là do giáo viên tự chuẩn bị và đưa lên, chưa có khâu kiểm soát từ phía nhà trường; Các trường đều đang trong trạng thái chưa có hoặc đang trong quá trình xây dựng kho học liệu dùng chung theo CT GDPT 2018, bằng cách các giáo viên tự soạn và đóng góp vào một thư mục trên Google Drive; Việc tổ chức các khóa tập huấn cho giáo viên chủ yếu tập trung vào việc sử dụng các phần mềm cụ thể, chưa chú trọng đến trang bị kĩ năng, phương pháp để chuyển đổi số hiệu quả; Việc tổ chức dạy học trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến chỉ diễn ra trong thời gian dịch COVID-19, không được duy trì tiếp tục sau khi các Nhà trường đi học trực tiếp trở lại.

Khảo sát trên 2428 cán bộ quản lý và giáo viên  tại các địa phương trên cả nước cũng cho thấy, họ có nhu cầu sử dụng dữ liệu được chuẩn hóa để dạy học (cho hầu hết các hoạt động giảng dạy), tập trung nhất là: đánh giá người học, tạo động cơ; phiếu bài tập; và cần có hệ thống số hóa để kết nối học sinh và giáo viên để trao đổi; hồ sơ học sinh; …

            Từ những thực tế nêu trên, có thể thấy rằng chúng ta đã có đường hướng, yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục, nhưng chúng ta mới chỉ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào những công việc cụ thể, thiếu tính hệ thống. Đặc biệt, mảng trọng yếu là dạy học và kiểm tra đánh giá thì thiếu dữ liệu số hóa. Vì thế, các hoạt động được ứng dụng công nghệ rời rạc, không thể tạo ra hệ dữ liệu của người học, người dạy, nghiệp vụ trường học, … để đảm bảo chất lượng.

2. Cơ hội chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay

2.1 Những yêu cầu để triển khai chuyển đổi số trong nhà trường

Nhằm khắc họa rõ nét hơn bức tranh về chuyển đổi số giáo dục, Microsoft đã xây dựng Khung Chuyển đổi số Giáo dục dựa trên bốn trụ cột chính là: Lãnh đạo và Chính sách; Dạy và Học; Môi trường thông minh; Sự thành công của học sinh và nhà trường. Chuyển đổi số giáo dục không chỉ là việc có thể tổ chức giảng dạy và học tập từ bất kỳ đâu, mà quan trọng hơn còn là việc cá nhân hóa trải nghiệm và tạo ra các phương pháp tương tác mới có khả năng tiếp cận và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Cũng theo Microsoft, để thực hiện được giáo dục số lấy học sinh làm trung tâm, chúng ta cần một hệ sinh thái giải pháp số bao gồm bốn yếu tố là: môi trường; nền tảng; công cụ và sự sáng tạo (theo [9]).

Hình 1. Khung chuyển đổi giáo dục (Microsoft)

Theo Ngân hàng thế giới (World Bank, [8]), 5 nguyên tắc cốt lõi khi hệ thống giáo dục bước vào quá trình chuyển đổi số, đó là:

  • Đặt câu hỏi vì sao: các chính sách và dự án cần được phát triển với mục tiêu, chiến lược và tầm nhìn rõ ràng.
  • Thiết kế và hành động theo quy mô cho tất cả: giải pháp cần được thiết kế linh hoạt, lấy người dùng làm trung tâm, với trọng tâm là sự bình đẳng và hòa nhập, để đạt được quy mô và tính bền vững cho tất cả mọi người.
  • Giáo viên được trao quyền: công nghệ sẽ thay đổi tương tác giữa giáo viên và học sinh theo hướng tăng khả năng tiếp cận nội dung và dữ liệu học tập, giúp giáo viên hỗ trợ học sinh học tập tốt hơn.
  • Tham gia hệ sinh thái: các hệ thống giáo dục nên có một cách tiếp cận toàn chính phủ và nhiều bên liên quan để thu hút tập hợp rộng rãi các tác nhân để hỗ trợ học sinh học tập.
  • Dẫn dắt bởi dữ liệu: ra quyết định dựa trên bằng chứng thu thập được nhờ công nghệ thích ứng, đảm bảo sự khách quan và công bằng trong giáo dục.

Hình 2. Năm nguyên tắc khi thực hiện chuyển đổi số giáo dục

Đồng thời Ngân hàng thế giới cũng khuyến nghị ba trụ cột của một quá trình chuyển đổi số

Hình 3. Ba trụ cột chuyển đổi số theo khuyến nghị của Ngân hàng thế giới

Qua những mô hình trên đây, có thể thấy:

Thứ nhất, mặc dù các chính sách, chiến lược ở tầm vĩ mô đã sẵn sàng, nhưng việc thực hiện chuyển đổi số có thành công hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào việc hoạch định lộ trình, triển khai cụ thể của các nhà quản lý cũng như sự đồng thuận và ý chí quyết tâm của mỗi nhà trường. Thứ hai, công nghệ là yếu tố tiên quyết để thực hiện chuyển đổi số nhưng không phải là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số trong nhà trường. Việc thực hiện chuyển đổi số cần phải được điều hướng và dẫn dắt bởi chính các hoạt động sư phạm đang diễn ra trong nhà trường hiện nay. Cuối cùng, một giải pháp chuyển đổi số thành công trong nhà trường cần hội tụ đủ các yếu tố: nền tảng công nghê, mô hình sư phạm tương xứng, lộ trình chuyển đổi phù hợp và nguồn nhân lực được đào tạo để sẵn sàng vận hành các mô hình sư phạm dựa trên nền tảng công nghệ đã xây dựng.

Đặc biệt, cần phân biệt chuyển đổi số với ứng dụng công nghệ thông tin. Chuyển đổi số dẫn đến thay đổi nội dung, quy trình trong công việc hàng ngày của mỗi giáo viên, mỗi người trong nhà trường.

2.2 Cơ hội từ sự thích ứng của công nghệ với giáo dục

Ta sẽ bàn thêm về nền tảng công nghệ để thực hiện chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số dạy và học không chỉ dừng lại ở việc dùng công nghệ để thay đổi phương thức dạy học, phương thức giao tiếp giữa thầy – trò mà còn cần sự quản lí, vận hành hệ thống, hướng dẫn, theo dõi của giáo viên kết quả học tập của người học dựa trên báo cáo của hệ thống. Hệ thống quản lí học trực tuyến (LMS – Learning Management System) ra đời như là công cụ đắc lực hỗ trợ giáo viên vượt qua các khó khăn khi áp dụng công nghệ vào quá trình dạy học hoặc dạy học trực tuyến dựa trên 10 chức năng cốt lõi: theo dõi, kiểm soát; tổ chức thi, kiểm tra; tương tác, hỗ trợ; lập lịch (thi, giao hạn); kiểm soát đăng ký, đa ngôn ngữ, đa chủ thể, đáp ứng đa thiết bị, bảo mật và quản lí dữ liệu số.

Hình 4. Mười chức năng cốt lõi của hệ thống LMS

            Theo Peter Berking and Shane Gallagher ([10], tr7), trong một số trường hợp, người ta còn sử dụng thuật ngữ LCMS để chỉ một hệ thống quản lý học tập có tích hợp thêm các công cụ soạn thảo và chức năng quản lý nội dung học tập. Cũng theo Peter Berking and Shane Gallagher ([10], tr8), người ta còn phân biệt hai khái niệm LMS (hệ thống quản lý học tập trực tuyến) với LRS – Learning Record System (hệ thống lưu trữ hồ sơ học tập). (LRS) là một hệ thống chuyên dụng chỉ được sử dụng để lưu trữ dữ liệu. Một sản phẩm LMS có thể bao gồm một số chức năng của LRS và ngược lại, nhưng các hệ thống này về cơ bản là không giống nhau.

            Muốn đánh giá năng lực người học và cá nhân hóa người học, trước tiên ta cần một hệ cơ sở dữ liệu học tập được chuẩn hóa, phân hóa. Đồng thời cần có công cụ thực hiện việc lưu vết hành vi học tập của học sinh, từ đó hỗ trợ giáo viên trong việc đánh giá quá trình và ra quyết định. Như vậy rõ ràng việc đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học và cá nhân hóa người học trên một hệ thống quản lý học tập trực tuyến mà không có nội dung học tập phân hóa, cũng không có tính năng quản lý hồ sơ học tập là một điều bất khả thi để thực hiện.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi mà các nhà trường đã bắt đầu thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 với mục tiêu phát triển năng lực người học và các thông tư hướng dẫn kiểm tra đánh giá theo Chương trình mới đã có yêu cầu về việc thực hiện đánh giá thường xuyên, đánh giá quá trình với học sinh, thì để thực hiện chuyển đổi số thành công, nền tảng công nghệ không những phải đảm bảo các tính năng cốt lõi của một hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) mà còn cần tích hợp thêm các tính năng quản lý về nội dung học tập và hồ sơ học tập của học sinh. Có như vậy thì việc chuyển đổi số trong nhà trường, cụ thể là chuyển đổi số trong hoạt động dạy học mới được thực hiện một cách triệt để.

Adaptive Learning (học tập thích ứng) là việc đào tạo và giáo dục có sử dụng công nghệ và dữ liệu để cung cấp chương trình học tùy chỉnh cho từng người học, đáp ứng một cách thông minh và sáng tạo nhu cầu học tập của họ. Một nền tảng có sử dụng công nghệ Adaptive Learning sẽ sử dụng các hình thức khai thác dữ liệu để tổng hợp nội dung kiến thức cho người học theo hướng tối ưu hóa nhu cầu học tập của họ. Dữ liệu sẽ được thu thập, lưu vết liên tục khi người học tương tác với bất cứ nội dung học nào. Từ các dữ liệu đã được thu thập, Công nghệ Adaptive Learning đưa ra các gợi ý về lộ trình học tập tiếp theo, bao gồm nội dung học tập, mức độ nhận thức và mức độ thường xuyên, đảm bảo tối ưu hóa lợi ích cho người học. Như vậy một nền tảng có sử dụng công nghệ Adaptive Learning có khả năng đáp ứng được các yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động dạy học.

2.3 Cơ hội tạo ra hệ sinh thái giáo dục và triển khai mô hình dạy học kết hợp

Sự bùng nổ về khoa học kĩ thuật số đã dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng cao về việc học tập không bị giới hạn bởi không gian trường lớp. Nhờ đó dẫn đến sự ra đời của các khái niệm về giáp dục gắn với công nghiệp 4.0, đó là hệ sinh thái giáo dục và dạy học kết hợp.

Theo Phạm Đức Quang ([5]), thuật ngữ HSTGD được hiểu như cách mà các thành phần khác nhau tương tác với nhau, trong môi trường giáo dục. Mục tiêu chính của HSTGD nói chung là: 1/ Tiếp cận tổng thể và đồng bộ các khâu; 2/ Đổi mới cách thức (tăng quyền cho người học, nhà giáo dục, để dạy-học đạt hiệu quả tối đa; Khuyến khích học tập suốt đời); 3/ Người học là trung tâm. Một HSTGD bao gồm ba thành phần chính: 1/ Con người (người học/người hỗ trợ); 2/ Môi trường (không gian E-learning và các nguồn lực; Hệ thống quản lí học trực tuyến, nội dung E-learning, …); 3/ Các mối quan hệ/ liên hệ (văn hóa E-learning, các quy tắc, hành động tương thích với quá trình E-learning, cách tương tác của học viên trong các khóa học online, các chính sách, quản lí,…). Ngoài ra, một HSTGD hiệu quả cần phải có các thành phần quan trọng khác như nội dung hấp dẫn; đánh giá liên tục; công nghệ hiện đại và cấu trúc nền tảng E-learning bền vững, thân thiện.

Blended Learning (gọi tắt là B-learning) hay dạy – học kết hợp được ra đời vào cuối thế kỉ XX. Từ năm 2006 đến nay, B-learning được hiểu là một sự kết hợp giữa dạy học trực tiếp (face to face) và dạy học trực tiếp trên nền tảng công nghệ trung gian (Technology mediated). Tác giả Michael B. Horn ([6]) định nghĩa hình thức dạy học B-learning là một mô hình giáo dục chính quy mà ở đó học sinh học một phần trực tuyến, có sự kiểm soát về thời gian, địa điểm, lộ trình, tiến độ và có ít nhất một phần giảng dạy trên lớp và các hình thức học tập của từng học sinh phải được liên kết với nhau tạo sự thống nhất. Cách thức học tập khóa học, môn học của học sinh được kết nối để cung cấp trải nghiệm học tập tích hợp. Tóm lại, có thể coi B-learning là mô hình hay hình thức học tập mà học sinh phải kết hợp học trực tiếp và trực tuyến để hoàn thành nhiệm vụ học tập. Ngày nay, dạy học B-learning đã trở thành xu hướng học tập, nghiên cứu, ứng dụng toàn cầu.

Có ba mức độ dạy học kết hợp tùy thuộc vào nhu cầu, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, trình độ tin học và sử dụng máy tính của người dạy và người học được mô tả trong sơ đồ dưới đây:

Hình 4. Các cấp độ của dạy học kết hợp

Tương ứng với các cấp độ dạy học kết hợp, các yêu cầu đối với học sinh trong từng cấp độ cũng khác nhau:

Hình 5. Các cấp độ của học tập kết hợp

Ở cấp độ cao nhất, giáo viên sẽ xây dựng kế hoạch dạy học, thực hiện đóng gói toàn bộ bài giảng có kiến thức liên quan đến nhiệm vụ phân công cho học sinh. Học sinh truy cập vào trang hệ thống học tập trực tuyến để tự nghiên cứu và thực hiện nhiệm vụ theo cá nhân hoặc theo nhóm. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học sinh có thể trực tiếp trao đổi những thông tin cần thiết với giáo viên hướng dẫn hoặc với bạn cùng học, học sinh có thể thực hiện được nhiều lần với bài tập đã giao.

Trong nhà trường phổ thông, mô hình dạy học kết hợp lí tưởng được triển khai theo bốn pha học tập, đó là: 1/ Tự học trên mạng; 2/ Giáo viên hướng dẫn; 3/ Học tập hợp tác; 4/ Cá nhân tự học. Ở pha thứ nhất, học sinh được chủ động tìm hiểu bài học và thực hành các hoạt động ở mức nhận biết, thông hiểu ở nhà. Ở pha thứ hai và thứ ba, giáo viên chính xác hóa, khắc sâu kiến thức trên lớp và tổ chức các hoạt động phát triển tư duy bậc cao như phản biện, đánh giá đồng đẳng, sáng tạo, … và các hoạt động phát triển năng lực mô hình hóa, năng lực hợp tác giải quyết vấn đề, … Ở pha thứ tư, người học tổng kết kinh nghiệm, đồng hóa kiến thức, kĩ năng và chuyển sang chu trình học tập mới.

Hình 6. Các pha học tập kết hợp

Song hành với quá trình học tập của người học, sự chuẩn bị của giáo viên trước – trong – sau lớp học kết hợp cần được chú trọng. Trước buổi học, giáo viên cần lên chương trình học tập cho học sinh, tạo phiếu bài tập được phân hóa, đóng gói tài liệu hướng dẫn học sinh trên hệ thống. Những phản hồi của người học trên hệ thống chính là kết quả để giáo viên điều chỉnh bài giảng trong buổi học. Kết thúc buổi học, giáo viên giao bài tập trên hệ thống, tổng kết, điều chỉnh chương trình học tập cho buổi sau (nếu cần thiết).

Hình 7. Sự chuẩn bị của giáo viên trước – trong – sau lớp học kết hợp

Việc tổ chức dạy học kết hợp sẽ không thể thực hiện thành công khi thiếu đi yếu tố công nghệ. Và một hệ sinh thái học tập với đầy đủ các thành phần như được mô tả ở trên kết hợp với mô hình dạy học B-learning chính là một giải pháp toàn diện, đầy đủ nhất cho bài toán chuyển đổi số hiện nay trong các nhà trường phổ thông.

2.4 Khuyến nghị chuyển đổi hệ sinh thái giáo dục

Để thực hiện được chuyển đổi số tại các nhà trường phổ thông, cần thiết đề xuất mô hình để hệ sinh thái giáo dục (HSTGD). Nhóm nghiên cứu thuộc AEGlobal, với mục tiêu là cung cấp một giải pháp toàn diện cho công cuộc chuyển đổi số của các Nhà trường phổ thông và hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 (theo [12]). Cụ thể, HSTGD AEGlobal được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là công nghệ học tập thích ứng (Adaptive Learning) với ba trụ cột chính: 1) Kho học liệu số đầy đủ các môn học từ lớp 1 đến lớp 12, đã được chuẩn hóa và tích hợp nền tảng công nghệ thích ứng, phù hợp với Chương trình GDPT 2018; (2) Khảo thí chất lượng, đánh giá năng lực và đánh giá quá trình theo thời gian thực và (3) Quản lý đào tạo hỗ trợ dạy học phân hóa và đáp ứng tính mở cho các nhu cầu tương lai về quản trị.

Hình 8. Hệ sinh thái giáo dục số theo khuyến nghị của AEGLOBAL

Nhờ có các trụ cột trên, hệ sinh thái giáo dục số AEGlobal giải quyết được bài toán lõi để thực hiện chuyển đổi số trong nhà trường, đó là chuyển đổi số hoạt động dạy và học, kiểm tra – đánh giá (phần màu tím trong sơ đồ hình 8):

– Giáo viên sử dụng kho học liệu số sẵn có đã được chia sẻ hoặc sử dụng công cụ soạn giảng điện tử và các tài liệu tham khảo để tự biên soạn tài liệu giảng dạy, từ đó tiết kiệm thời gian chuẩn bị bài dạy.

– Công tác tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo năng lực có thể thực hiện trên hệ thống (tùy theo mức độ áp dụng hệ sinh thái).

– Tất cả hoạt động, kết quả học tập của học sinh trên hệ sinh thái đều được lưu vết, thống kê và báo cáo để hệ thống tự động điều chỉnh hoặc giáo viên chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp, liều lượng (nếu cần). Từ đó dễ dàng tổ chức dạy học phân hóa, đáp ứng cá nhân hóa việc học tập và dạy học phát triển năng lực.

– Dữ liệu của quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá được kết nối, liên thông với các hoạt động khác diễn ra trong nhà trường, giúp các hoạt động quản trị trường học thực hiện thuận tiện, nhanh chóng, hỗ trợ việc ra quyết định kịp thời, chính xác, đảm bảo công bằng, khách quan trong giáo dục.

3. Kết luận

Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 01 năm 2022 đã xác định quan điểm: “…chuyển đổi số tạo đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo; đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tác động tích cực, toàn diện tới phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả và công bằng trong giáo dục. Người học và nhà giáo là trung tâm của quá trình chuyển đổi số; lợi ích mang lại cho người học, đội ngũ nhà giáo và người dân là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số. …” nhằm hướng tới mục tiêu “…thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số”. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi đã phân tích thể chế và thực trạng chuyển đối số ở trường phổ thông. Từ đó chỉ ra những cơ hội trong hoạch định chính sách và xây dựng dữ liệu; mô hình triển khai dạy và học trong chuyển đổi số. Đó là: chú trọng chuẩn hóa, số hóa dữ liệu trên hệ thống, gắn liền với đảm bảo chất lượng quá trình, hệ sinh thái giáo dục mở và dạy học kết hợp. Bài báo chưa đề cập đến việc phát triển nguồn nhân lực để thay đổi thói quen, tiếp cận công nghệ và sẵn sàng vận hành giải pháp đã đề xuất. Nội dung này sẽ được làm rõ trong các nghiên cứu tiếp theo.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 3/6/2020, về việc Phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

[2] Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 25/1/2022, về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.”

[3] Quyết định số 1282/QĐ-BGDĐT, ban hành ngày 10/5/2022, về việc ban hành Kế hoạch tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025.

[4] Chu Cẩm Thơ, Yêu cầu đảm bảo chất lượng đối với nội dung dạy học trực tuyến ở trường phổ thông trong bối cảnh hiện nay, Tạp chí khoa học giáo dục số đặc biệt tháng 01/2021, 2021.

[5] Phạm Đức Quang, Hệ sinh thái giáo dục: Tên gọi và cách tiếp cận, Tạp chí khoa học giáo dục số đặc biệt tháng 01/2021, 2021.

[6] Michael B. Horn, Heather Staker, Blended: Using disruptive innivation to improve schools. Jossey – Bass, 2014.

[7] Michael B. Horn, Heather Staker, The rise of K-12 blended learning. Innosight institute, 2011.

[8] Robert Hawkins, Michael Trucano, Cristóbal Cobo, Alex Twinomugisha, and Iñaki Sánchez Ciarrusta, Reimagining human connections technology and innovation in education at the World Bank, 2020.

[9] https://www.microsoft.com/en-us/education/school-leaders/k-12-microsoft-education-transformation-framework

[10] Peter Berking and Shane Gallagher, Choosing a Learning Management System, Advanced Distributed Learning (ADL) Initiative, 2016.

[11] Nguyễn Hoàng Trang, Một số vấn đề trong tổ chức dạy học Blended Learning và kinh nghiệm quốc tế, Kỷ yếu hội thảo quốc tế: giáo dục cho mọi người.

[12] https://aeglobal.edu.vn/

[13] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7522

[/col] [/row] [/section]

Các Bài viết mới nhất