Từ những năm cuối của thế kỉ XX, dạy học trực tuyến đã được quan tâm, nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, cùng với các chính sách ứng dụng công nghệ trong dạy học, sự phát triển của các nền tảng lưu truyền dữ liệu, mạng xã hội, các chương trình dạy học trực tuyến ra đời ngày càng nhiều. Giáo dục trực tuyến với ưu điểm: Tài liệu được lưu trữ trên internet giúp cho người học dễ học, dễ tiếp cận; sự hỗ trợ của công nghệ dễ dàng cho phân hóa và chương trình hóa, tạo điều kiện để người học tự học, học chủ động; …Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang sống trong kỉ nguyên số, toàn cầu hóa, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch bệnh đòi hỏi dạy học trực tuyến trở thành một phương thức dạy và học dành cho mọi người. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng đã chính thức công nhận hình thức dạy học trực tuyến trong nhà trường. Tuy nhiên, chất lượng nội dung dạy học trực tuyến vẫn còn là một vấn đề bị bỏ ngỏ, thực tế nhiều chương trình dạy học trực tuyến đã không được kiểm soát chất lượng cũng như chưa có một yêu cầu đảm bảo chất lượng một cách chính thức nào được ban hành. Tác giả tiến hành một nghiên cứu thực tiễn về nội dung của một số chương trình dạy học trực tuyến, đối sánh với những yêu cầu sư phạm để tìm hiểu: Cần đặt ra những yêu cầu gì cho nội dung dạy học trực tuyến giáo dục phổ thông trong bối cảnh hiện nay? Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu một số vấn đề lí luận, thực tiễn về yêu cầu đối với nội dung dạy học trực tuyến trong bối cảnh đổi mới giáo dục và thích ứng với những biến đổi xã hội khác nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.
Đặt vấn đề
Phát triển xã hội học tập, học tập suốt đời trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo thêm cơ hội để học tập trực tuyến đã trở thành phổ biến trong thực tiễn dạy học ở nhà trường phổ thông. Giáo dục (GD) trực tuyến với ưu điểm: Tài liệu được lưu trữ trên internet giúp cho người học dễ học, dễ tiếp cận; sự hỗ trợ của công nghệ dễ dàng cho phân hóa và chương trình hóa, tạo điều kiện để người học tự học, học chủ động;… Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, không phải chương trình học trực tuyến nào cũng được thiết kế, xây dựng, triển khai đáp ứng những yêu cầu chất lượng của một chương trình dạy học như khuyến nghị của khoa học GD. Trong thời gian gần đây, Bộ GD và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức công nhận việc dạy học trực tuyến trong nhà trường, cùng với việc nở rộ các bài giảng, khóa học trực tuyến khi ứng phó với dịch Covid 19 thì việc đảm bảo chất lượng của việc dạy học trực tuyến ngày càng được quan tâm. Tổ chức chương trình, xây dựng nội dung, triển khai thực tiễn, điều kiện kĩ thuật,… của một chương trình dạy học trực tuyến như thế nào để đảm bảo yêu cầu chất lượng, đáp ứng mục tiêu GD là một vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu.
Nội dung nghiên cứu
Một số vấn đề về lí luận
Dạy học chương trình hóa
Trong dạy học chương trình hóa, nội dung học tập được chia thành từng phần được gọi là những liều/phiếu hay đơn vị kiến thức, hoạt động của người học cũng được chia thành từng bước. Việc chuyển sang bước học tập tiếp theo phụ thuộc vào chất lượng học tập của bước trước đó. Liều kiến thức trước là điều kiện, phương tiện để tiếp tục liều kiến thức sau. Cấu trúc của một liều kiến thức trong chương trình học thường gồm có 4 phần sau: 1/ Thông báo kiến thức hoặc kĩ năng; 2/ Các câu hỏi kiểm tra kiến thức hoặc kĩ năng; 3/ Quyết định quá trình tiếp theo hoặc kết thúc; 4/ Đáp án hoặc kết quả trả lời, thông báo để chuyển sang liều tiếp theo.
Có hai loại chương trình dạy học gồm đường thẳng và phân nhánh. Sự khác nhau của hai loại chương trình là kết cấu của các liều/phiếu kiến thức. Nếu trong chương trình đường thẳng, học sinh (HS) sẽ học những liều kiến thức giống nhau, chỉ khác nhau về tốc độ, còn trong chương trình phân nhánh, liều kiến thức sẽ được thiết kế theo năng lực người học, HS sẽ học theo những nhánh rẽ khác nhau. Nếu thiết kế phân nhánh tốt sẽ tạo điều kiện cá biệt hóa việc dạy học. Người học làm việc với nhịp độ nhanh, chậm khác nhau, đi theo những con đường khác nhau tùy thuộc khả năng, trình độ của từng người. Giáo viên (GV) thường không can thiệp trực tiếp vào hoạt động học tập của HS mà HS tự học theo sự hướng dẫn của “chương trình học”. Với hình thức này, HS phải làm việc độc lập và phát huy tính tích cực của mình. Dạy học chương trình hóa là cơ sở rất tốt để tổ chức tự học cho HS [1].
Dạy học chương trình hóa thể hiện được quan điểm đặt trọng tâm của quá trình dạy học vào người học và cá biệt hóa quá trình dạy học theo trình độ và năng lực của từng HS, do vậy phát huy được tính tích cực và chủ động của họ trong học tập. Từng cá nhân người học có thể tiếp thu kiến thức với lượng thời gian khác nhau, theo các diễn tiến khác nhau tùy vào kiến thức có sẵn, vào khả năng, tốc độ học tập của riêng họ cũng như phương tiện hiện đại mà họ có. Những đặc điểm này là cơ sở cho việc xây dựng các chương trình tự học trong dạy học E – learning.
Dạy học phân hóa
Dạy học phân hóa xuất phát từ yêu cầu đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu dạy học đối với từng HS để giúp các em phát huy được năng lực, phù hợp với điều kiện của từng em [2]. Theo Nguyễn Bá Kim [1], tư tưởng chủ đạo của dạy học phân hóa là: 1/ Lấy trình độ phát triển chung của HS trong lớp làm nền tảng; 2/ Sử dụng những biện pháp phân hóa đưa diện HS yếu kém lên trình độ chung; 3/ Tổ chức những pha phân hóa ngay trong quá trình dạy học; 4/ Phân hóa trong giao nhiệm vụ học tập về nhà.
Với sự hỗ trợ của công nghệ, trong dạy học trực tuyến, nhiệm vụ học tập ứng với chương trình con dành cho mỗi HS (xem Hình 1). Nếu không có sự tương ứng này thì không phát huy được sức mạnh của công nghệ. Phân hóa trở thành tư tưởng khi thiết kế nội dung dạy học trực tuyến. Một chương trình dạy học phân hóa tốt cần có những tiêu chuẩn sau: 1/ Chẩn đoán được năng lực người học; 2/ Đưa ra chương trình học tập phù hợp với nhận thức, kĩ năng và phong cách học tập; 3/ Đánh giá được quá trình học tập; 4/ Dự kiến được sự phát triển, hỗ trợ được sự phát triển cho người học.
Thông thường, trong dạy học, phân hóa rõ nhất ở khâu đưa ra hệ thống bài tập/ nhiệm vụ phù hợp với người học. Điều này là khả thi vì các nghiên cứu đã chỉ ra được với mỗi đơn vị kiến thức thì đều có thể phân biệt được mức độ “khó”, “kiểu thực hiện”. Vì vậy, người thiết kế nội dung dạy học có thể tạo ra được những nội dung riêng cho từng HS.
Hình 1: Mô phỏng mối quan hệ đảm bảo phân hóa hiệu quả [9]
Dạy học trực tuyến
Đặc trưng của dạy học trực tuyến
Dạy học trực tuyến có thể được hiểu: “Là việc sử dụng công nghệ internet để tạo ra trải nghiệm học tập”. Từ cuối thể kỉ XX, hình thức học tập này đã xuất hiện và bùng nổ trong những năm gần đây khi internet đã trở thành một phần của đời sống ở mọi quốc gia (xem Hình 2). Murihead (2000) [3] chỉ ra ba lĩnh vực được coi là thay đổi khi các khóa học được đưa lên mạng gồm: 1/ Hỗ trợ giảng dạy và tinh thần cho HS; 2/ Những kì vọng liên quan đến việc biên soạn các khóa học trực tuyến trong khi vẫn duy trì khối lượng giảng dạy đầy đủ; 3/ Yêu cầu cung cấp hỗ trợ công nghệ thường xuyên cho HS và phụ huynh.
Môi trường học trực tuyến khác với lớp học truyền thống. Trong GD trực tuyến, sự tương tác giữa HS và GV đã được thay đổi từ hướng dẫn đồng bộ trực tiếp sang một cộng đồng ảo không đồng bộ. Nếu muốn thành công thì HS phải chuyển từ một người học thụ động trong lớp học truyền thống thành một người hỏi đáp trực tuyến tích cực hơn.
Hình 2: Mô phỏng hệ sinh thái dạy học trực tuyến [4]
Garrison, Cleveland-Innes và Fung (2004) [5] đã tiến hành một nghiên cứu để xác nhận một công cụ liên quan đến việc điều chỉnh vai trò của người học trực tuyến. Người học trực tuyến phải có trách nhiệm hơn, thích nghi với môi trường mới, thích nghi với bối cảnh mới, biết tổng hợp ý tưởng, biết cách tham gia, tổng hợp ý tưởng, áp dụng ý tưởng hoặc khái niệm và kích thích sự tò mò của bản thân. Ngoài ra, Palloff & Pratt (2003) [6] đã gợi ý rằng, người học trực tuyến nên “cởi mở” về các chi tiết cá nhân của họ về cuộc sống, công việc và các kinh nghiệm GD khác; nên “linh hoạt” và “hài hước” để tạo ra một môi trường khóa học ấm cúng, hấp dẫn, nên “trung thực”, nên sẵn sàng chịu “trách nhiệm” đối với việc hình thành cộng đồng trực tuyến và nên sẵn sàng làm việc “cộng tác”. Công nghệ, với tư cách là phương tiện trung gian hỗ trợ GV trong giảng dạy, giờ đây trở nên quan trọng hơn khi mức độ giao tiếp trực tiếp giảm trong các khóa học GD trực tuyến. Palloff và Pratt (2000) [6] lưu ý rằng, giảng viên phải được đào tạo “không chỉ để sử dụng công nghệ mà còn phải thay đổi cách thức tổ chức và cung cấp tài liệu”.
Để đảm bảo chất lượng của việc giảng dạy trực tuyến, môi trường học trực tuyến phải được thiết kế trước khi GV bắt tay vào việc cung cấp khóa học trực tuyến. Wu & Hiltz (2004) [6] khẳng định trong nghiên cứu của họ đã kiểm tra việc học tập của HS từ thảo luận trực tuyến không đồng bộ – GV đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thảo luận trực tuyến hiệu quả. Do đó, GV cần được hướng dẫn trực tuyến nhiều hơn, nhiều các chủ đề thảo luận có cấu trúc hơn và dành thời gian nhiều hơn. Một số nhà nghiên cứu (Ascough, 2002; Ronteltap & Eurelings, 2002; Rosie, 2000) [6] cho rằng, dạy học trực tuyến có thể khuyến khích học tập sâu và kĩ năng tư duy phản biện của HS khi được học một cách hợp tác hoặc theo các tình huống dựa trên vấn đề. Nghiên cứu thử nghiệm của Ronteltap và Eureling (2002) [7] cho thấy rằng, khi HS học theo phương pháp học thực hành dựa trên vấn đề, HS tương tác nhiều hơn và học tập tích cực hơn. Do đó, việc tích hợp phương pháp học sâu, tư duy phản biện, học hợp tác và phương pháp học dựa trên vấn đề vào giảng dạy là rất quan trọng đối với GV trong việc nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến. Làm thế nào để
thúc đẩy học tập sâu của HS thông qua dạy học trực tuyến là một yếu tố quan trọng mà các GV trực tuyến cần xem xét. Điều này đòi hỏi GV phải thiết kế các dự án hợp tác và dựa trên vấn đề sẽ khiến HS phải suy nghĩ chín chắn, tích cực và sâu sắc. Để đảm bảo tính hiệu quả của môi trường học trực tuyến, cần có một kế hoạch chi tiết về khóa học. Kế hoạch khóa học nên bao gồm phân tích nhu cầu của cả HS và GV, mục tiêu của lớp học, lựa chọn tài liệu khóa học để xây dựng kiến thức cho HS, thiết kế các hoạt động, chủ đề thảo luận, dự án và bài kiểm tra, hình dung bất kì vấn đề tiềm ẩn nào về mặt kĩ thuật hoặc học thuật và kiểm tra tính khả thi của khóa học trực tuyến. Khi xây dựng kế hoạch khóa học, người hướng dẫn phải phân tích phong cách giảng dạy của chính họ trước, sau đó phân tích đặc điểm của người học (Ascough 2002) [6]. Cách học của HS cũng nên được kiểm tra, có thể không thu thập được tất cả thông tin trước khi khóa học trực tuyến bắt đầu, nhưng một bảng câu hỏi hoặc khảo sát trực tuyến đơn giản có thể giúp GV biết thêm về phong cách học tập của HS.
Người học trực tuyến cần được định hướng chương trình và định hướng khóa học trước khi bắt đầu. Palloff & Pratt (2003) [6] khuyến nghị rằng, định hướng chương trình nên bao gồm định hướng về phần học liệu, kiến thức cơ bản về sử dụng Internet, cách thức và địa điểm nhận trợ giúp khi cần, yêu cầu công nghệ đối với các khóa học,… Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng khuyến nghị rằng, nội dung dạy học trực tuyến cần được thiết kế phân nhánh, có phần hỏi đáp – trao đổi vừa để người học thực hành, luyện tập và tự đánh giá vừa tạo môi trường cho sự tương tác cộng đồng. Đặc biệt, phần này nên có các câu hỏi có thể kích thích sự quan tâm, thúc đẩy tư duy phản biện và học tập sâu của HS trong thảo luận trực tuyến hoặc lớp học ảo [8].
Tìm hiểu thực tiễn chất lượng một số nội dung dạy học trực tuyến ở trường phổ thông
Trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch Covid 19 xảy ra, hầu hết trường phổ thông ở Việt Nam đã tiến hành dạy học trực tuyến. Để tìm hiểu thực tiễn chất lượng một số nội dung dạy học trực tuyến được triển khai, chúng tôi đã tiến hành cuộc khảo sát trong tháng 4, 5 năm 2020 tại Hà Nội. Đối tượng được khảo sát là GV tham gia giảng dạy, thiết kế nội dung dạy học online và các HS tham gia học, tập trung vào HS trung học phổ thông trong phạm vi môn Toán.
- Mục đích khảo sát tìm hiểu chất lượng của nội dung dạy học online trong đối sánh với những khuyến nghị bởi cơ sở lí luận và yêu cầu của thực tiễn.
- Công cụ khảo sát phiếu hỏi và phỏng vấn trực tiếp đối tượng khảo sát.
Kết quả khảo sát, đối với GV: Có 161 GV tham gia khảo sát. Hầu hết trong số họ đã được tập huấn, thử nghiệm trước khi dạy trực tuyến chính thức. Họ cho biết,
chí nội dung nên GV chưa có căn cứ thực hiện; Không có GV nào xây dựng bài giảng dạng chương trình hóa, phân hóa,… Các GV cũng cho biết, họ đang cố gắng học cách sử dụng một phần mềm dạy học trực tuyến vì thấy rằng mình chưa thành thạo kĩ năng dạy học này. Họ cho rằng, cần thiết có phần mềm hỗ trợ chuyển hóa bài giảng từ dạng truyền thống sang trực tuyến, vì không thể sử dụng 100% bài tập, câu hỏi truyền thống cho dạy học trực tuyến. Dạy học trực tuyến cần có câu hỏi trắc nghiệm (đa dạng chứ không phải chỉ có dạng 4 phương án, có một phương án đúng), cần có tích hợp phần mềm để người học thể hiện kĩ năng toán học như vẽ đồ thị, vẽ hình, … Các GV đồng ý rằng, nếu có phần mềm giúp tương tác, quản lí được việc học từ đánh giá chẩn đoán đến hướng dẫn học, đánh giá quá trình thì mới đảm bảo được chất lượng học tập trực tuyến.
– Kết quả khảo sát, đối với HS: Có 260 HS tham gia khảo sát. Hầu hết các em cho rằng, “học trực tuyến không hiệu quả bằng học trực tiếp”, các em khó thực hiện những yêu cầu của GV. Các em cho rằng, không có nhiều thay đổi về nội dung dạy học: Học trực tuyến chỉ khác là GV dạy trên màn hình, và khó nhìn trực tiếp bài làm của HS (260/260). Nhiều HS (201/260) thấy mình học kém đi vì học trực tuyến. Các em thường làm thêm hành động khác ngoài việc học (như mở một màn hình nữa, tương tác với bạn trên mạng xã hội,…). Nội dung không được thiết kế hấp dẫn, việc chiếu các file trình chiếu và bài giảng của GV không hiệu quả. Các em không được học với máy. Một số em đăng kí học thêm trực tuyến thì có tham gia học với phần mềm nhưng tự đánh giá là không hiệu quả, kiểu câu hỏi trắc nghiệm như hiện nay là không đánh giá đầy đủ nội dung học tập. Với bài tự luận, các em thường chụp bài làm và gửi file ảnh cho GV. HS cũng mong muốn được học “nội dung trực tuyến”, làm bài trên máy, thực hiện được những kĩ năng toán học quan trọng trên máy như vẽ đồ thị, vẽ hình, viết công thức toán; nhất là được học tùy lúc, tùy nơi chứ không chỉ theo tiết như thời khóa biểu truyền thống (vì như vậy mới thực sự phát huy được ưu điểm của học trực tuyến). HS bày tỏ mong muốn website học trực tuyến có thể có phần tương tác như mạng xã hội để giúp các em trao đổi, và học tập vui hơn.
Chúng tôi cũng phỏng vấn, xin ý kiến một số chuyên gia. Họ cho biết trong quá trình theo dõi, dự giờ trực
tuyến, họ thấy nhiều nội dung không được kiểm soát, dẫn đến sai sót về chuyên môn, phương pháp dạy học không có nhiều sự khác biệt với dạy học trực tiếp. Việc nội dung không được chuyển hóa phù hợp với dạy học trực tuyến đã hạn chế sự tích cực, chất lượng tiếp thu, thực hành của HS. Với đối tượng HS phổ thông, cần thiết có phần mềm quản lí, tích hợp với phần mềm học tập để giúp việc học hiệu quả và hệ thống.
Như vậy, kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, nội dung dạy học trực tuyến chưa có nhiều khác biệt so với dạy học truyền thống. Nội dung không được thiết kế dạng chương trình hóa, phân hóa, chuyển hóa phù hợp với dạy học trực tuyến như yêu cầu cơ sở lí luận. Thực tiễn cũng cho thấy việc chưa có phần mềm hỗ trợ dạy học, quản lí: Nội dung, quá trình dạy học, phần mềm gắn với môn học,… đã khiến cho dạy học trực tuyến chỉ là sự “không tiếp xúc trực tiếp” giữa người dạy – người học mà thôi.
Khuyến nghị yêu cầu đảm bảo chất lượng một số nội dung dạy học trực tuyến ở trường phổ thông
Allen và cộng sự [3] cũng đã xác định 10 “chìa khóa” để học trực tuyến chất lượng. Các tác giả cho rằng các khóa học trực tuyến sẽ có chất lượng cao khi lấy HS làm trung tâm và khi: 1/ Kiến thức được xây dựng, không phải chỉ là truyền tải; 2/ Học viên có thể tự chịu trách nhiệm về việc học của mình; 3/ HS có động cơ muốn học; 4/ Khóa học cần dành ra “khoảng trắng tâm hồn- mental white space” để suy ngẫm; 5/ Hoạt động học phù hợp với phong cách học tập của HS; 6/ Kinh nghiệm, học tập tích cực làm tăng thêm môi trường học tập trên trang Web; 7/ Các hoạt động học tập đơn lẻ và giữa các cá nhân được xen kẽ nhau; 8/ Tính không chính xác trong việc học trước đó sẽ được xác định và điều chỉnh; 9/ “Học theo đường xoắn ốc” giúp cho việc xem lại và mở rộng các bài học trước; 10/ GV có thể hướng dẫn toàn bộ quá trình học tập.
Các nghiên cứu khoa học đều khuyến nghị rằng, các nội dung dạy học trực tuyến cần được thiết kế theo định hướng chương trình hóa, mà tốt nhất là chương trình phân nhánh, có sự phân hóa tốt đối với khả năng tiếp thu, phong cách học tập của người học. Bên cạnh đó, nội dung trong một liều kiến thức cũng cần có dung lượng phù hợp. Tùy vào đối tượng học tập mà dung lượng này được thay đổi. Tuy nhiên, không nên quá 15 phút tương tác trên máy đối với một liều và quá 90 phút cho một buổi học trực tuyến. Đối với nội dung dạy học trực tuyến, cần thiết có phần mềm chuyển hóa nội dung từ trực tiếp sang trực tuyến để đảm bảo rằng không có tình trạng nội dung học trực tuyến giống nội dung học trực tiếp. Phần mềm cũng giúp minh họa nội dung học, hướng dẫn học, đánh giá chẩn đoán, đánh giá quá trình học cũng như tăng sự tương tác trong học tập, giúp học tập linh hoạt theo không gian và thời gian.
Kết luận
Khi phát triển xã hội học tập, học tập suốt đời, và phát triển hệ sinh thái GD trong Cách mạng công nghiệp 4.0, học tập trực tuyến đã trở thành một nhu cầu của người học và thực tiễn triển khai học tập ở nhà trường phổ thông. Để học tập trực tuyến trở thành một hình thức học chính thức, ngang hàng và hỗ trợ việc học trực tiếp thì cần đặt ra những yêu cầu kĩ thuật, chất lượng cho nội dung dạy học trực tuyến.
Về kĩ thuật: Cần đảm bảo rằng, cơ sở vật chất, hạ tầng thiết bị và đường truyền internet, phần mềm học tập được trang bị, hỗ trợ đầy đủ, ổn định.
Về chuyên môn: GV cần được tập huấn về dạy học chương trình hóa, phân hóa trong thiết kế nội dung, đồng thời tương thích với phần mềm dạy học, cung cấp, khai thác, tích hợp với tài nguyên trên mạng internet hợp lí.
Về quản lí: Cần có phần mềm quản lí hệ thống tích hợp với phần mềm môn học để có thể đánh giá quá trình học tập, quản lí giảng dạy. Giúp việc học có thể được triển khai theo nhiều cấp độ: Học với máy, học có hướng dẫn của GV, học trong xã hội học tập,… Chỉ khi có sự chuẩn bị tốt, nội dung dạy học đạt được những yêu cầu thì dạy học trực tuyến mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả học tập; đồng thời đó là điều kiện để xác thực, chính thức hóa việc học tập này.
Tác giả:
PGS.TC Chu Cẩm Thơ
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
101 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Email: thocc@vnies.edu.vn
Nguồn:
Số đặc biệt tháng 01/2021
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam